Tìm bài viết phù hợp

KHÔNG NƯỚC NÀO CHO PHÉP RÚT HẾT BẢO HIỂM NHƯ VIỆT NAM

10/05/23 08:44

Một số nước trên thế giới cho phép rút bảo hiểm xã hội một lần nhưng gần như chỉ Việt Nam cho rút toàn bộ tiền ở bất kỳ thời điểm nào, theo chuyên gia ILO.

Nội dung được ông André Gama, Giám đốc Chương trình An sinh xã hội của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) Việt Nam, cho biết khi trả lời phỏng vấn VnExpress, trước bối cảnh Việt Nam đang sửa Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH).

ILO là tổ chức chuyên môn của Liên Hợp Quốc, mục tiêu thúc đẩy công bằng xã hội, tăng cường việc làm bền vững, giảm đói nghèo... Tổ chức này là đối tác của Chính phủ Việt Nam ở một số chương trình mở rộng an sinh

Ông André Gama, Giám đốc Chương trình An sinh xã hội ILO Việt Nam

Ông André Gama đã có những đánh giá về chính sách an sinh của Việt Nam:

"Kể từ 2012, Việt Nam có những bước tiến đáng kể trong tăng cường hệ thống an sinh xã hội, bao gồm ban hành nghị quyết về các vấn đề chính sách xã hội, sửa đổi các Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) và Luật Bảo hiểm y tế.

Chính phủ có những bước tiến quan trọng nhằm tạo cơ sở cho mở rộng mức độ bao phủ an sinh xã hội. Đến năm 2022, trên 90% dân số Việt Nam được hưởng quyền lợi toàn diện về bảo hiểm y tế xã hội. Số người được hưởng trợ cấp xã hội từ 2,5 triệu người năm 2013 lên 3,2 triệu người vào năm 2022, tăng 28%.

Dù đạt được những dấu mốc quan trọng trong mở rộng và tăng cường an sinh xã hội, nhưng khoảng trống đáng kể về độ bao phủ an sinh xã hội ở Việt Nam vẫn còn. 10 năm qua, việc làm phi chính thức ở Việt Nam vẫn chiếm gần 70% tổng số việc làm trong năm 2019. Các kết quả về an sinh xã hội vẫn thể hiện khoảng cách về giới, mức độ bao phủ và mức hưởng."

Ngoài ra, việc chính sách BHXH hiện đang là một trụ cột quan trọng trong hệ thống an sinh của Việt Nam cũng gặp những điểm nghẽn như: 

"Đầu tiên, sự thiếu phối hợp giữa chính sách BHXH và trợ giúp xã hội dẫn đến rất nhiều người rơi vào "khoảng trống" nên không thuộc diện được hưởng bất kỳ chính sách nào. Sự thiếu kết nối này là trở ngại khiến Việt Nam chưa phát triển toàn diện hệ thống an sinh xã hội đa tầng thực sự.

Thứ hai, nhóm lao động tham gia BHXH bắt buộc chưa được mở rộng đúng khả năng, bỏ sót nhiều trường hợp khác. Chế độ trợ cấp ngắn hạn của chính sách chưa đủ thuyết phục để thu hút người tham gia vào BHXH.

Thứ ba, đầu tư của Chính phủ vào an sinh xã hội, bao gồm hỗ trợ đóng góp BHXH cho những người có thu nhập, đang thấp hơn so với với mức trung bình thế giới.

Thứ tư, lao động có thể rút toàn bộ các khoản đóng góp qua hình thức chi trả BHXH một lần tại bất kỳ thời điểm nào. Việt Nam gần như là nước duy nhất trên thế giới thực hiện chính sách này. Điều này khiến lao động rời bỏ hệ thống BHXH sớm, thời gian tham gia sau đó không đủ để nhận lương hưu.

Thứ năm, sự phối hợp giữa chính sách BHXH với việc làm còn ít. Điều này gây ra hạn chế bởi các chính sách an sinh, việc làm riêng lẻ không thể giải quyết hết được những thách thức của lao động ở Việt Nam hiện nay.

Thứ sáu, Việt Nam kỳ vọng cao quá về BHXH tự nguyện. Thực tế, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, dư địa phát triển BHXH tự nguyện rất hạn chế.

Cuối cùng là sự thiếu tin tưởng của người dân vào hệ thống BHXH dù các phân tích của ILO cho thấy so với các quốc gia trong khu vực, tình hình tài chính của hệ thống BHXH Việt Nam khá bền vững, toàn diện và hiệu quả cao." - theo ông André Gama

Hiện nay, đang tồn tại mâu thuẫn là BHXH bắt buộc nhằm đảm bảo lao động về già có lương hưu, song pháp luật Việt Nam lại cho phép họ rút một lần hoặc ở lại. Ông André Gama cũng đã có những quan điểm  về vấn đề này:

"Hai chính sách trên mâu thuẫn nhau khi đặt trong các tiêu chuẩn quốc tế, hệ thống BHXH và cả quy định pháp luật. Khuyến nghị của ILO là Việt Nam bỏ chính sách trợ cấp một lần, nhưng trong bối cảnh hiện nay người lao động chưa chấp nhận hoàn toàn nên phải tìm cách tiếp cận dần dần. Chính sách cần phải kết hợp giữa việc hạn chế và đưa ra các hỗ trợ thay thế bằng các chế độ an sinh xã hội khác do chính hệ thống cung cấp.

Chúng ta phải hiểu lý do vì sao lao động lại chọn rút BHXH một lần. Đa số không rút để đi nghỉ mát, du lịch mà họ cần số tiền đó chi trả cho những khoản tài chính cần thiết. Số liệu của ILO cho thấy, người nhận trợ cấp một lần đa phần là phụ nữ, người trẻ tuổi có nhu cầu tài chính, chăm sóc gia đình, mất việc nhưng khoản trợ cấp thất nghiệp chưa đáp ứng đủ.

Do đó, nhà nước phải có thêm những kênh hỗ trợ cho lao động, giúp họ đảm bảo an ninh thu nhập trong một số trường hợp cấp thiết. Ví dụ, khi lao động bắt đầu một gia đình mới, chính sách nên nghĩ đến chế độ cho trẻ em. Với những gia đình có 2-3 người, chăm sóc trẻ thực sự là một gánh nặng cần sự hỗ trợ.

Một chính sách sẽ luôn có củ cà rốt và cây gậy đi cùng. Các điều khoản pháp luật đặt ra để đưa lao động vào hệ thống nhưng bên cạnh đó phải có những lợi ích, chế độ trợ cấp để giữ chân họ."

Tuy nhiên, theo nhưu ông chia sẻ, quỹ BHXH và người lao động cũng sẽ bị tác động nếu Việt Nam tiếp tục chính sách cho nhận trợ cấp một lần:

"Đánh giá của ILO, sự an toàn tài chính, độ bền vững của quỹ BHXH Việt Nam rất tốt. Không có gì phải lo lắng về điều này trong vài thập kỷ tới. Các đánh giá Quỹ BHXH của ILO đã tính đến các khoản rút trợ cấp một lần và xu hướng tăng dần của chúng qua các năm. Vì vậy trừ khi có sự gia tăng bất thường về số lượng người rút BHXH một lần, ILO không lo ngại về tính bền vững tài chính ngắn và trung hạn của quỹ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng kỳ vọng số người rút BHXH một lần sẽ giảm xuống trong những năm tới để hệ thống bền vững hơn.

Với người lao động, công ước của ILO nêu rõ khoản trợ cấp một lần họ đã nhận không đảm bảo được an ninh thu nhập khi về già mà phải được chi trả hàng tháng. Thống kê cho thấy hầu hết lao động sẽ tiêu hết số tiền BHXH một lần trong thời gian ngắn khi vừa rút xong. Như vậy, về già không còn khoản nào để đảm bảo thu nhập, dễ rơi vào đói nghèo. Khi nhận trợ cấp một lần, người lao động sẽ không còn nhận bất kỳ chế độ nào như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động trong suốt quãng đời còn lại, không được bảo vệ bởi hệ thống an sinh nữa."

Người dân chờ rút bảo hiểm xã hội một lần tại TP HCM, ngày 11/4

Ngoài ra, ông cũng đã có những nhận định về chính sách cần thay đổi để hỗ trợ một vấn đề Việt Nam đang đối mặt là lao động ở những nhóm ngành thâm dụng, lao động ngoài 40 tuổi khó quay lại nhà máy để tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc, chờ đến tuổi hưu. Đây cũng là nhóm có mong muốn nhận trợ cấp nhiều nhất:

"Đó chính là điểm nghẽn thứ năm của chính sách BHXH mà tôi đã nhắc đến, tức thiếu liên kết giữa chính sách BHXH với việc làm. Rất nhiều vấn đề không thể giải quyết trong Luật BHXH mà cần phối hợp các luật khác. Do vậy kết nối giữa chính sách BHXH với chính sách việc làm rất quan trọng. Một ví dụ rõ nhất là cần cải thiện các chính sách dạy nghề và kết nối việc làm trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp được chi phối bởi Luật Việc làm sẽ giúp người lao động tìm kiếm việc nhanh và hiệu quả hơn, cải thiện cơ hội quay lại tham gia BHXH và được tiếp tục bảo vệ.

Nhà nước cần có chính sách để ngăn việc phân biệt độ tuổi lao động mà thay vào đó phải xem xét năng lực của họ. Đặc biệt phải có cơ chế bảo vệ lao động lớn tuổi bởi doanh nghiệp chuộng lao động trẻ vì trả ít tiền hơn, lao động thâm niên thì ngược lại, càng làm lâu lương càng cao, chi phí doanh nghiệp cũng tăng. Chính phủ cần đầu tư hiệu quả hơn vào chính sách đào tạo nghề để thúc đẩy thị trường lao động.

Chính sách cần giúp đỡ lao động chuyển việc, giúp họ phát triển kỹ năng mới phù hợp nhu cầu của doanh nghiệp dựa trên các kết quả của đối thoại xã hội. Ví dụ, sau đợt Covid-19, nhiều lao động rời các thành phố lớn về địa phương, công nhân ở phía nam trở về bắc nhưng họ không biết tìm việc mới như thế nào trong khi doanh nghiệp ở đây rất khó khăn tìm người. Do đó, vai trò của các trung tâm dịch vụ việc làm cần phải phát huy tốt hơn nữa."

Cuối cùng thì, ILO cũng đã đưa ra lời khuyên cho ban soạn thảo để đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội tốt nhất trong lần sửa Luật BHXH này rằng:

"Khuyến nghị quan trọng đầu tiên của ILO là cần tăng cường phối hợp và liên kết giữa bảo hiểm xã hội và trợ giúp xã hội. Dự thảo đã bắt đầu thực hiện điều này bằng cách đưa tất cả chế độ hưu trí vào cùng một luật.

Chính sách cần tăng cường BHXH bắt buộc và làm cho chính sách này hấp dẫn hơn với người lao động, như đưa ra các chế độ trợ cấp ngắn hạn hơn, chế độ trợ cấp cho trẻ em, gia đình để động viên người lao động tham gia hệ thống trong giai đoạn đầu.

Việt Nam cần từng bước hạn chế người lao động rút BHXH một lần. Để làm được điều này cần có sự phối hợp giữa chính sách BHXH và việc làm.

Cuối cùng và khó khăn nhất là Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn nữa cho an sinh xã hội, trong đó có BHXH. Rất nhiều lao động thu nhập thấp không có điều kiện tham gia vào BHXH và cần nhà nước hỗ trợ. Việc này giúp ngày càng có nhiều người tham gia BHXH, tăng mức độ bao phủ của hệ thống."

Nguồn: VNExpress

HR1Tech - Nền Tảng Tuyển Dụng Trực Tuyến Ngành CNTT

Tìm việc và tuyển dụng ngành đa ngành. Khám phá thêm tại: www.hr1jobs.com

Thống Kê Hoạt Động Sử Dụng Mạng Xã Hội Tại Việt Nam

Báo cáo từ Decision Lab cho thấy xu hướng tiêu thụ số của người dùng Việt Nam đang thay đổi, tập trung vào mạng xã hội, giải trí trực...

SearchGPT Là Gì? Liệu Nó Có Thể "Vượt Mặt" Google Search?

Vào tháng 7/2024, OpenAI chính thức ra mắt công cụ tìm kiếm mới trên ChatGPT mang tên Search GPT. Đây là một công cụ truy vấn thông minh,...

Gamification Được Ứng Dụng Thế Nào Trong Đa Lĩnh Vực?

Gamification – xu hướng mới đang áp dụng mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực từ tiếp thị, giáo dục đến tài chính và chăm sóc sức khỏe. Bằng cách...

Việt Nam Đang Thiếu Nhân Lực Về AI

Trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 bùng nổ, trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành một lĩnh vực mũi nhọn, đóng vai trò then chốt trong sự...

Ngành Lập Trình Ứng Dụng Di Động Hứa Hẹn Bùng Nổ Trong 2024

Với sự gia tăng không ngừng của các thiết bị di động và nhu cầu ngày càng cao về các ứng dụng thông minh, ngành lập trình ứng dụng di...

Những Điều Không Nên “Chia Sẻ” Với ChatGPT

Không ai có thể phủ nhận độ phổ biến của ChatGPT. Tuy nhiên, bên cạnh sự hữu ích của nó, cũng mang theo những nguy cơ tiềm ẩn về an ninh...