Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua. Phụ nữ ngày càng được trao quyền nhiều hơn cho các vị trí lãnh đạo cho các tổ chức. Hiện nay, số phụ nữ tại Việt Nam tham gia vào ngành công nghệ thông tin đã tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, không ít người vẫn hoài nghi liệu phụ nữ có thể đảm đương tốt công việc liên quan đến lĩnh vực này hay không?
Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, cùng lắng nghe những người phụ nữ đang dẫn dắt HR1TECH chia sẻ về sức mạnh của phái đẹp, nhất là khi họ cùng làm việc và hỗ trợ lẫn nhau.
Nữ giới tham gia vào lĩnh vực công nghệ: "Xô ngã" vùng an toàn của bản thân
Chị Trương Thị Hường với 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, kinh doanh và nhân sự. Chị chia sẻ công việc đầu tiên của chị là nhân viên kinh doanh trong ngân hàng của Úc trong khoảng gần 1 năm, nhờ sự dẫn dắt của người sếp đầu tiên đã mang chị đến với công ty về lĩnh vực nhân sự và gắn bó với lĩnh vực này cho tới nay. Hiện tại, chị đang là Senior Recruitment Manager, phụ trách quản lý team headhunt ngành ICT (Information and Communications Technology).
Thị trường hiện nay nhân sự ngành Công nghệ với nam giới chiếm ưu thế, chị có cho rằng khi là nữ giới sẽ gặp nhiều rào cản để tiếp cận với các ứng viên hay không?
Theo thống kê ngành IT hiện nay, nam giới chiếm 70%, còn nữ giới chỉ chiếm khoảng 30%. Điều này cũng khá dễ hiểu bởi ngành IT không chỉ đòi hỏi khả năng tư duy, sáng tạo mà còn đòi hỏi về sức khỏe, sức bền, đặc biệt trong những thời điểm dự án cần gấp hoặc xảy ra bug thì yêu cầu phải làm thêm giờ và làm vào ban đêm thì nữ giới sẽ khó đáp ứng hơn. Bởi sự khác biệt về giới tính thì vẫn sẽ có 1 khoảng cách nhỏ trong quá trình xây dựng mối quan hệ thân thiết với ứng viên thông qua các hoạt động xã giao.
Tuy nhiên, đặc thù của 1 số vị trí trong ngành IT cũng cần sự khéo léo, mềm mỏng, tỉ mỉ, tính thẩm mĩ & tính sáng tạo của nữ nên thời gian gần đây thì các vị trí liên quan về Front-end, Test, Data và Project Management thì tỷ lệ các bạn nhân viên nữ cũng ngày càng tăng. Vì vậy, các bạn nữ nếu có đam mê với ngành công nghệ thì cứ mạnh dạn để học và phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực này.
Hiện nay, nhân sự ngành IT ở Việt Nam thì hầu hết là đội ngũ khá trẻ và như chị đã chia sẻ ở trên thì tỷ lệ nam vẫn chiếm đa số. Vậy theo chị, lợi thế nào nữ giới có được khi làm một headhunter ngành công nghệ?
Tôi thường hay đùa vui rằng là ông bà ta thường nói 2 cực nam châm trái chiều thì hút nhau. Nên nữ giới cũng có lợi thế khi kết nối hoặc đưa ra “offer jobs” hơn.
Lĩnh vực headhunt nói chung và ngành IT nói riêng đòi hỏi khá nhiều kỹ năng kết hợp kỹ năng của người làm sales và người làm tuyển dụng nhân sự. Và 1 trong những kỹ năng khá cần thiết đó là kỹ năng giao tiếp, mà lợi thế của nữ là thường trao đổi nhẹ nhàng, mềm dẻo, khéo léo nên thường khai thác 1 số thông tin ứng viên như lương, lý do nghỉ việc, động lực làm việc dễ dàng hơn, cũng như trong quá trình hỗ trợ cả ứng viên và nhà tuyển dụng đàm phán lương khá hiệu quả tạo được sự hài lòng cả 2 phía.
Ngành công nghệ: "Mới - Mở - Thử Thách là cơ hội để tôi có những trải nghiệm thú vị"
Chị Thu Uyên với 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh và thương mại, hiện tại chị Uyên đang giữ vai trò Business Development Team Leader tại HR1TECH. Phụ trách các đầu việc liên quan về việc mở rộng và phát triển kinh doanh của trang web HR1Tech.com.
Được biết chị Uyên từng theo học ngành Luật, sau đó là Thạc sĩ MBA, cơ duyên nào chị chọn làm mảng kinh doanh cho ngành tuyển dụng, đặc biệt là lĩnh vực Công nghệ?
Sau khi hoàn thành chương trình MBA, tôi có định hướng ưu tiên các hoạt động về kinh doanh, thương mại, có cơ hội tương tác với con người và hiểu hơn về thị trường nói chung; và Tech là lĩnh vực mà mình chưa có cơ hội được trải nghiệm.
Bản thân tôi cảm thấy lĩnh vực Tech hội tụ 3 yếu tố mà tôi đang tìm kiếm là Mới - Mở - Thử thách. Đặc biệt với người không có nền tảng về Tech và hiếm có cơ hội cập nhật về xu hướng công nghệ, làm việc trong lĩnh vực này mang đến cho mình nhiều khó khăn nhưng đồng thời là những trải nghiệm thú vị.
Trong bối cảnh ngành Công nghệ luôn có sự cạnh tranh gay gắt, các doanh nghiệp thường phải mất khá nhiều thời gian để tìm kiếm, tiếp cận với ứng viên. Chị có thể chia sẻ những thuận lợi và bất lợi khi giữ vai trò kinh doanh dịch vụ tuyển dụng ngành IT cho doanh nghiệp không?
Bất kỳ ngành nào cũng tồn tại hai mặt thuận lợi và khó khăn. Đặc biệt trong ngành IT, khi thị trường luôn có sự cạnh tranh mỗi ngày.
Về những thuận lợi mà tôi nhận thấy trong 1 năm gắn bó với lĩnh vực công nghệ:
- Hiểu hơn về thị trường IT, cập nhật kiến thức, xu hướng công nghệ của Việt Nam và thế giới.
- Cơ hội tương tác với rất nhiều người (IT Talents và Employers), mở rộng network trong lĩnh vực IT.
- Phần nào hiểu hơn tác động của ngành IT lên các hoạt động kinh doanh khác và xu hướng thị trường.
- Thị trường Việt Nam rất tiềm năng trong lĩnh vực này.
Tiếp sau đó là những bất lợi tồn tại của lĩnh vực này:
- Thị trường nhân sự (IT Talents) chưa đủ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, kèm theo đó là chi phí thuê nhân sự tăng cao, tăng thời gian tuyển dụng, nhiều rủi ro, ảnh hưởng hoạt động kinh doanh và tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
- Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tìm kiếm và giữ chân người tài.
- Thị trường IT luôn cập nhật và thay đổi, người làm tuyển dụng cũng cần không ngừng học hỏi và nâng cao kiến thức/ kĩ năng của bản thân.
Hiểu rõ từng ngóc ngách về những thuận lợi cũng như bất lợi của ngành, giúp tôi đón đầu lợi thế trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tăng cường sáng tạo trong phương pháp giáo dục, tạo sân chơi pháp luật bình đẳng cho doanh nghiệp cũng là những yếu tố giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức nguồn nhân lực trong cuộc cách mạng 4.0.
Những bài học đắt giá từ kinh nghiệm được đúc kết
Gặp gỡ với chị Linh Vũ, với kinh nghiệm trong lĩnh vực tuyển dụng, đặc biệt là tuyển dụng online từ 2005 khi internet vẫn còn chưa phổ biến, cho đến nay gần 20 năm kinh nghiệm được tích lũy từ các giai đoạn chuyển giao công nghệ.
Hiện tại, chị đang phụ trách quản lý các hoạt động xây dựng và mở rộng thị trường và phát triển thương hiệu HR1TECH hướng đến việc gia tăng lợi ích và tính gắn kết giữa doanh nghiệp và người lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin bằng việc ứng dụng công nghệ.
Với sự am hiểu về thị trường lao động, cũng như từng có cơ hội làm việc với thế hệ đi trước và làm việc với thế hệ GenZ hiện tại. Chị đánh giá như thế nào về chất lượng và kỹ năng của lao động trẻ hiện nay?
Tôi nghĩ chúng ta cần tách biệt 2 khái niệm kỹ năng và chất lượng công việc. Thị trường lao động của chúng ta đang sở hữu ưu thế lớn về lực lượng lao động trẻ (cụ thể là gen Z) giàu kỹ năng, tự tin, khao khát cống hiến và chinh phục các thách thức. Các bạn cũng có nhiều lợi thế hơn các thế hệ đi trước về tốc độ trải nghiệm và học hỏi nên nhu cầu phản biện và được phản biện trong khi làm việc của các bạn cũng nổi bật hơn. Làm việc với GenZ, tôi hay bảo rằng các bạn có “bốn chữ chịu”:
- Chịu học: GenZ hay tôi còn gọi các bạn là Gen Tech, bởi các bạn có tinh thần học hỏi cao, năng lực sử dụng công nghệ để nghiên cứu chuyên môn và mở rộng kiến thức để ứng dụng trong công việc tốt. Nhờ sự thành thạo sử dụng tối ưu nguồn kiến thức khổng lồ từ internet, các bạn nhanh chóng học hỏi và cập nhật kiến thức công nghệ rất nhanh.
- Chịu khó: Phạm vi công việc không còn là giới hạn để các bạn hoàn thành công việc. Các bạn luôn mở rộng phương thức để có thể hoàn thành. Không chỉ là tuyển dụng Tech online, các bạn thường xuyên “offline” để kết nối và mở rộng mối quan hệ cả với ứng viên và doanh nghiệp. Không những vậy, cả Thứ 7, chủ nhật luôn sẵn sàng “chiến” khi có hiệu lệnh. Giao việc khó các bạn lại càng hào hứng thực hiện; đón nhận thách thức để vượt giới hạn.
- Chịu đổi mới: Có thể nói, các bạn trẻ luôn “dám” thoát khỏi khuôn khổ, tự tin sáng tạo và không bị bó hẹp trong 1 cách làm. Các bạn luôn hướng đến cải tiến công việc và ứng dụng nhiều kiến thức, thông tin mới vào công việc.
- Chịu nói: Trong công việc các bạn mạnh dạn bày tỏ ý kiến cá nhân, sẵn sàng nói lên chính kiến và thuyết phục đội nhóm theo ý kiến của mình.
Những lợi thế này của các bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên mới ra trường giúp gia tăng “giá trị” của mình trên thị trường lao động.
Đi cùng xu hướng phát triển của công nghệ 4.0, tương lai gần sẽ có bước “nhảy vọt” với 5.0, là một người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Công nghệ, theo chị kinh nghiệm có phải là yếu tố then chốt để quyết định thành công trong ngành này?
Theo tôi, kinh nghiệm là được xem như là điều kiện tiên quyết mà các doanh nghiệp thường đặt ra trong các tiêu chí tuyển dụng. Bên cạnh đó, những bài học từ trải nghiệm thực tế sẽ góp phần vào dữ liệu phân tích.
Đó cũng là bài học thách thức cho những ai vẫn sử dụng kinh nghiệm cũ ứng dụng vào hoàn cảnh hoàn toàn khác khi những thay đổi không ngừng của công nghệ đã dần thay đổi thói quen của chúng ta.
Nói thêm về lĩnh vực công nghệ và đặc biệt là tuyển dụng IT, khi người lao động cũng thay đổi thói quen sử dụng internet thì tính chất công việc ấy đòi hỏi chúng ta cần học hỏi và cập nhật xu hướng nhanh. Từ đó sẽ giúp việc ra quyết định linh hoạt theo từng giai đoạn yêu cầu của công việc.
Cám ơn các chị đã dành thời gian cho buổi trò chuyện này. Chúc các chị sẽ càng thành công hơn nữa trên con đường sự nghiệp.